Quốc gia châu Á nào đón Tết Trung thu? Nét đặc trưng và phong tục riêng biệt

Tai Thong

Tin tức

2024 Tháng 03

Quốc gia châu Á nào đón Tết Trung thu? Nét đặc trưng và phong tục riêng biệt

    Tết Trung thu là lễ hội truyền thống của nhiều quốc gia phương đông có nền văn minh lúa nước phát triển. Mùa thu giữa tháng 8 thời tiết mát mẻ, trăng tròn vành vạnh và sản vật vào độ ngon nhất trong năm để thưởng thức. Cùng Tai Thong tìm hiểu các quốc gia châu Á nào đón Tết Trung thu, nét đặc trưng và phong tục riêng biệt như thế nào nhé!

    1. Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu 

    Vào ngày Rằm tháng 8 sẽ có ánh trăng sáng vành vạnh, gợi sự an lành và đoàn viên, mọi việc sẽ tiến đến những điều tốt đẹp. Tết Trung thu còn là ngày tết của thiếu nhi, những mầm non cần được chăm sóc và yêu thương. Tết Trung thu còn là dịp con cháu quay về thăm ông bà, làm lễ cúng tổ tiên và quây quần bên mâm cỗ thưởng trăng trong không khí ấm cúng. Mọi người dành tặng lời chúc, bày tỏ sự trân quý đến những người xung quanh làm nổi bật ý nghĩa tình thân của ngày Tết Trung thu.        

    tết trung thu em rước đèn đi chơi

    2. Còn bao nhiêu ngày đến Tết Trung thu 2024

    Tết Trung thu là ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, rơi vào ngày 17/9 dương lịch năm 2024, vậy là còn khoảng hơn 170 ngày nữa. Thông thường, không khí trung thu sẽ bắt đầu sớm vào đầu tháng 8 âm lịch, khi mọi người tất bật chuẩn bị cho ngày lễ hội. 

    ý nghĩa của tết trung thu

    Đi dạo trên đường phố sẽ dễ dàng bắt gặp các con đường, nhà chùa, trung tâm thương mại,... trang hoàn lồng đèn đầy đủ màu sắc. Ở các thị trấn, huyện xã nhỏ cũng chuẩn bị các chương trình đón Tết Trung thu cho các bạn nhỏ ở nhà văn hóa sinh hoạt chung. 

    3. Tết Trung thu ở các quốc gia

    Đối với những nước nông nghiệp lúa nước, tháng 8 giữa mùa thu là dịp mọi người nghỉ ngơi trước khi vào nhịp lao động của mùa vụ mới. Vì vậy, mọi người sẽ dành thời gian này bên gia đình, từ đó việc đón Tết Trung thu cùng những người thân yêu dần trở thành thông lệ trong đời sống tinh thần của người dân. Mỗi quốc gia mang một nét đặc trưng và quan niệm riêng về dịp lễ hội này. 

    3.1 Tết Trung thu ở Việt Nam

    Tết trung thu là ngày hội lớn gắn liền với sự tích chị Hằng chú Cuội mỗi năm giáng trần vào ngày rằm tháng 8 âm lịch để ban phát niềm vui cho trẻ em. Các bạn nhỏ được mua cho lồng đèn đầy màu sắc để tham gia rước đèn, phá cỗ và ăn bánh trung thu. 

    tết trung thu ở việt nam

    Theo quan niệm dân gian, tháng 8 âm lịch là tháng của mùa vụ mới, người dân lập mâm cỗ cúng cảm tạ trời đất và cầu cho mùa vụ tiếp theo được bội thu. Rồng là biểu tượng cho sự thịnh vượng, vì vậy nhiều nơi còn tổ chức lễ hội rước rồng, với cầu mong mưa thuận gió hòa cho những vụ thu hoạch tốt là nguồn gốc của sự ấm no.

    3.2 Tết Trung thu ở Trung quốc

    Tục ăn bánh thưởng trăng vào mỗi dịp trăng rằm đã có từ rất lâu trong văn hóa Trung Hoa. Cho đến khi sự kiện khởi nghĩa đánh bại nhà Nguyên và lập ra nhà Minh vào dịp rằm tháng 8 âm lịch. Kế sách giấu thông điệp về cuộc khởi nghĩa trong nhân bánh trung thu đã góp phần to lớn vào sự thành công này. Từ đó, người dân ăn bánh trung thu trong dịp Tết Trung thu để tưởng nhớ sự kiện này và dần trở thành ngày lễ quan trọng trong năm.

    lễ hội tết trung thu tại trung quốc

    3.3 Tết Trung thu ở Hàn Quốc

    Tết Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là Chuseok, mọi người sẽ về nhà để thăm ông bà và dâng mâm cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu nghĩa. Món ăn đặc trưng trong lễ Chuseok là bánh Songpyeon (bánh bán nguyệt), gắn liền với quan niệm “trăng khuyết rồi sẽ tròn” của người dân Hàn Quốc. 

    tết trung thu ở hàn quốc

    Trăng khuyết biểu tượng cho sự sinh sôi và nảy nở, ngụ ý rằng mọi việc sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn. Mùa thu là mùa thu hoạch lúa và các nông sản khác, nên ngày Tết Trung thu còn có ý nghĩa là hội mùa. Vì vậy người dân sẽ dâng lễ vật các loại trái cây tươi ngon nhất trên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong mùa vụ tiếp theo bội thu.

    3.4 Tết Trung thu ở Nhật Bản

    Người Nhật Bản tổ chức Tết Trung thu hai lần trong năm, lần đầu tiên tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch khi trăng tròn và sáng nhất, tiếp theo lễ được tổ chức vào 13/9 âm lịch. Người Nhật gọi Tết Trung thu là Tsukimi hay Otsukimi nghĩa là “trông trăng”, quan niệm tục đón lễ Tsukimi hai lần với ý nghĩa tạ ơn mùa màng tươi tốt và cầu phúc lành tránh tai họa. 

    tết trung thu ở nhật bản

    Hình ảnh tượng trưng cho lễ Tsukimi là chú thỏ giã bánh gạo trên cung trăng, bánh gạo Tsukimi Dango chính là bánh trung thu truyền thống của người Nhật. Sau khi dâng cúng thì sẽ được nướng sơ cho lớp vỏ giòn, quết mật ong, thưởng thức cùng trà xanh và ngắm trăng bên gia đình.

    3.5 Tết Trung thu ở Thái Lan

    Thái Lan đón Tết Trung thu do một phần ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa của người Trung Hoa sống tại đây. Vào dịp rằm tháng 8, gia đình và bạn bè quây quần bên nhau dâng lễ cúng cảm tạ trời đất, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc. Mọi người tặng nhau những chiếc bánh hình quả đào, bánh trung thu tròn ngọt bày tỏ yêu thương và lời chúc tốt đẹp. Bánh nhân sầu riêng đặc biệt ưa chuộng, ngoài ra bưởi cũng phổ biến trong dịp lễ này bởi hình tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ và sum vầy. 

    tết trung thu ở thái lan

    3.6 Tết Trung thu ở Singapore

    Vào dịp giữa mùa thu, không khí lễ hội ở Singapore trở nên vô cùng nhộn nhịp. Dân tộc Hoa chiếm 2/3  dân số trên quốc đảo, vì vậy tinh thần đón Tết Trung thu cũng bắt nguồn từ văn hóa của họ và câu chuyện về nữ thần mặt trăng Hằng Nga. Đường phố được trang trí rất nhiều lồng đèn mang tính nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là khu phố người Hoa.

    lễ hội trung thu tại singapore

    Mọi người hòa vào không khí lễ hội, dạo phố ngắm trăng, chiêm ngưỡng hoa quế và xem các buổi biểu diễn truyền thống như múa, kinh kịch và múa rối. Gia đình chuẩn bị mâm cỗ dâng lên bàn thờ tổ tiên, sau đó quây quần ăn cỗ và nhâm nhi tách trà cùng ngắm trăng, đôi lúc ngẫu hứng còn sáng tác cả thơ Đường.

    3.7 Tết Trung thu ở Malaysia

    Tương tự như các nước châu Á khác, tục đón Tết Trung thu ở Malaysia cũng bắt nguồn từ văn hóa của người Malaysia gốc Hoa đang sinh sống tại đây. Đặc trưng của ngày Tết Trung thu Malaysia là họ sẽ tự tay làm bánh trung thu, mọi người sum họp về nhà cùng dâng mâm cúng tổ tiên, quây quần bên mâm cơm và ngắm trăng. Người dân đến chùa Thean Hou cầu may mắn, đây là địa danh tâm linh nổi tiếng ở Kuala Lumpur. Tại Penang tổ chức diễu hành lồng đèn “Dòng sông ánh trăng”, trang hoàn lồng đèn soi sáng khắp lối đi bộ trên đồi Penang, nơi có thể ngắm ánh trăng huyền diệu.

    lễ hội trung thu ở malaysia

    3.8 Tết Trung thu ở Indonesia

    Ở Indonesia, ngày Tết Trung thu không phải là ngày lễ chính thức nhưng vẫn là một ngày tết quan trọng đối với những người có tổ tiên là người Hoa. Theo thông lệ, mọi người sẽ quây quần bên gia đình để ăn bánh trung thu, trang trí đèn lồng và ngắm trăng tròn. Bánh trung thu truyền thống có lớp vỏ dai, có nhân ngọt và đôi khi là mặn, bánh có dạng tròn, con cá hoặc con lợn. Các tín đồ Phật giáo sẽ cùng nhau đi chùa để thể hiện sự thành tâm và mong cầu điều bình an.

    trung thu indonesia

    Trên đây là những chia sẻ về câu chuyện quốc gia châu Á nào đón Tết Trung thu, nét đặc trưng và phong tục riêng biệt. Tựu trung, mỗi quốc gia đề có sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa về ngày Tết Trung thu nhưng họ đều có cho mình một quan niệm riêng về dịp trăng rằm ấm cúng này. Hãy đón chờ bài viết thú vị tiếp theo trên website Tai Thong nhé!

    Nguồn: Sưu tầm 

    Zalo
    Hotline