Dịp trung thu xưa, mặt nạ giấy bồi truyền thống là đồ chơi được yêu thích bên cạnh đèn lồng, đèn ông sao... Tuy vậy, trong xã hội hiện đại ngày nay những người tìm mua mặt nạ truyền thống cũng dần ít đi mà thay vào đó là sự xuất hiện của đồ chơi hiện đại. Cùng Tai Thong tìm hiểu thêm về ý nghĩa của mặt nạ giấy bồi trong tết Trung thu truyền thống của Việt Nam nhé.
1. Nguồn gốc của mặt nạ giấy bồi truyền thống
Trong lịch sử người Việt cổ từ 2000-3000 năm trước đã biết làm những chiếc mặt nạ từ những nguyên liệu có trong tự nhiên như vỏ cây và da thú. Đến thời đại văn minh, từ nhiều thập kỷ về trước giấy bồi là nguyên liệu được thay thế để sản xuất ra những chiếc mặt nạ. Đây là những món đồ được trẻ em Hà thành yêu thích nên nhiều hộ gia đình làm để chơi vào dịp trung thu.
Mặt nạ giấy bồi là sản phẩm đặc trưng vào mùa lễ hội không giống như một số sản phẩm truyền thống khác nên không tập trung sản xuất theo làng nghề. Sau này khi mặt nạ được thương mại hoá thì tại một số địa phương mới hình thành cơ sở sản xuất tập trung để phục vụ nhu cầu vui chơi vào dịp Tết Trung thu.
Tuy nhiên, vào khoảng đầu thế kỷ 21, thị trường cạnh tranh rất lớn với mặt nạ Trung Quốc giá rẻ và những loại đồ chơi hiện đại. Do đó, gần đây chỉ còn một số rất ít hộ gia đình theo nghề. Hiện nay, riêng ở Hà Nội chỉ còn duy nhất một hộ gia đình có địa chỉ tại phố hàng Than, Hà Nội còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống.
Xem thêm: Tết Trung thu 2024 vào ngày nào? Còn bao nhiêu ngày đếm ngược?
2. Ý nghĩa của mặt nạ giấy bồi trong dịp tết Trung thu
Mặt nạ giấy bồi không chỉ là một món đồ chơi đặc sắc, rực rỡ sắc màu được các bạn nhỏ yêu thích mà còn mang nhiều giá trị văn hoá đặc biệt. Trong biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, mặt nạ đại điện cho một nhân vật thể hiện sự phong phú và đa dạng trong văn hoá Việt.
Đặc biệt trong dịp trung thu, mặt nạ giấy bồi có vẻ như chỉ là món đồ chơi góp phần làm đêm rằm của trẻ con trở nên vui nhộn hơn nhưng chiếc mặt nạ lại mang thông điệp văn hoá và đời sống dân gian rõ ràng. Qua những nhân vật thể hiện trên mặt nạ như sư tử, kỳ lân, ông Địa... đều là những biểu tượng gắn liền với những câu chuyện cổ tích được thế hệ ông bà kể trong đêm trung thu.
Đồng thời mỗi chiếc mặt nạ khác nhau lại mang ý nghĩa đặc trưng riêng. Như mặt nạ ông Địa to tròn tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc của mùa màng bội thu và sự viên mãn trong đêm rằm. Trong khi đó mặt nạ hình lân với sắc đỏ đi bên cạnh ông Địa là hình ảnh tượng trưng cho khởi đầu hưng thịnh, may mắn.
Những chiếc mặt nạ mô phỏng hình ảnh của những nhân vật đã mang lại nhiều ý nghĩa thực tế sâu sắc. Trong đêm hội trăng rằm trẻ em đeo mặt nạ tay cầm đèn lồng cùng ngân nga những khúc hát trung thu truyền thống. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc trong ký ức ức tuổi thơ của nhiều người, thể hiện sự vui tươi, cuộc sống sung túc và ấm no.
Ngày nay, ý nghĩa của sự xuất hiện của mặt nạ giấy bồi trong ngày Tết Trung thu còn mang tính lưu truyền và gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống. Trẻ em vừa được vui chơi, vừa được học hỏi về những nhân vật trong những câu chuyện cổ tích và nghề làm mặt nạ truyền thống bằng nguyên liệu giấy tồi từ xưa.
Xem thêm: Cách làm lồng đèn trung thu bằng chai nhựa cho bé đơn giản
3. Quy trình làm mặt nạ giấy bồi
Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống đòi hỏi người nghệ nhân cần có sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Trong phần này cùng tìm hiểu quy trình làm mặt nạ chi tiết.
3.1 Chuẩn bị vật liệu
Các vật liệu cần để làm mặt nạ sẽ bao gồm khuôn mặt nạ, giấy, hồ dán, màu, dụng cụ vẽ màu. Mỗi chiếc khuôn sẽ mang một hình thù riêng, được đổ bằng xi măng chắc chắn. Để đảm chất lượng của thành phẩm, khuôn cần có những chi tiết rõ ràng và sắc nét. Giấy cần xé thành những miếng nhỏ để dễ dàng dán lên khuôn và dán được nhiều lớp.
3.2 Công đoạn bồi thô
Bồi thô là công đoạn quan trọng trong quy trình thực hiện làm mặt nạ, người nghệ nhân phải đảm bảo bộ căng mịn, độ dày đều, sát với khuôn thì bề mặt mới nhẵn, công đoạn vẽ lên mới đẹp. Đầu tiên, sẽ lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn đã chuẩn bị, rồi dùng giấy xé vụn dán đều lên, lớp trước chồng lên lớp sau kết dính bằng hồ. Cứ thực hiện như thế khoảng 5-6 lớp giấy vụn bồi lên sẽ tạo thành một chiếc mặt nạ giấy bồi.
3.3. Phơi khô mặt nạ bồi thô
Mặt nạ sau khi bồi thôi sẽ được phơi khô trước khi gỡ ra thực hiện công đoạn tiếp theo. Khi phơi cần lưu ý đặt trong không gian thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp để không làm hỏng giấy. Quá trình phơi sẽ mất vài giờ tuỳ vào điều kiện thời tiết.
3.4 Công đoạn sơn vẽ
Cuối cùng là sơn vẽ từng chiếc mặt nạ, đây là công đoạn đòi hỏi độ tỉ mỉ và nhiều thời gian nhất, người thợ sẽ thổi hồn thành những hình thù ngộ nghĩnh. Khi sơn lên mặt nạ cần lưu ý để lớp trước khô mới nên vẽ lớp tiếp theo để tránh nhoè màu. Khi vẽ màu xong là hoàn thành quy trình làm mặt nạ giấy bồi.
4. Bảo tồn và phát huy giá trị của mặt nạ giấy bồi truyền thống
Nghề thủ công làm mặt nạ giấy bồi truyền thống hiện nay còn duy trì ở một số ít địa phương. Vị thế của món đồ chơi trung thu truyền thống dần bị mất đi trong sự phát triển của xã hội hiện đại có nhiều loại đồ chơi công nghệ mới. Tuy nhiên, bằng đam mê và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống các nghệ nhân đang nỗ lực từng ngày tạo ra những chiếc mặt nạ đặc sắc để cung cấp đến mọi vùng miền tổ quốc mỗi dịp trung thu.
Đối với nghề làm mặt nạ giấy bồi không chỉ giúp giữ nghề cho gia đình mà còn góp phần lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc. Lan tỏa giá trị tốt đẹp để mặt nạ giấy bồi luôn là một phần không thể bị lãng quên trong đêm trung thu của trẻ em Việt Nam.
Chính vì thế, việc tăng cường giáo dục và tuyên truyền đến nhiều hệ trẻ và đông đảo người dân Việt Nam là việc cần thiết để những giá trị truyền thống được của mặt nạ được bảo tồn. Đồng thời, phát triển hình thức du lịch kết hợp làng nghề thủ công để quảng bá văn hoá dân tộc sẽ tạo điều kiện để nhiều du khách biết đến mặt nạ truyền thống hơn.
Mặt nạ giấy bồi ngày nay không chỉ được bán tại các làng nghề hay chợ truyền thống mà mọi người có thể mua trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử một cách dễ dàng. Vì vậy, người lớn mua cho trẻ em gia đình, cũng là một cách để giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống.
Như vậy, nguồn gốc và cách làm mặt nạ giấy bồi đã được Tai Thong chia sẻ đến mọi người. Các làng nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống vẫn duy trì bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, trong dịp trung thu này mọi người hãy mua mặt nạ giấy bồi làm đồ chơi cho các bạn nhỏ nhà mình để góp phần lưu giữ nét đẹp văn hoá này nhé!
Xem thêm: Làng nghề làm đèn ông sao và vẽ mặt nạ truyền thống tại Việt Nam
Nguồn: Tham khảo